Những Khoản Thu Oằn Lưng Người Lao Động

Ngày 03.04.2009 Giờ 16:15

http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?newsid=49302&fld=HTMG/2009/0402/49302

Bằng nhiều cách, chi phí trước khi đi của người lao động đã được biến hoá khiến họ phải oằn lưng gánh để hy vọng vào giấc mơ đổi đời. Nhưng khi đời chưa kịp đổi thì nhiều người đã phải về nước trước hạn để lại một đống nợ nần.

 

1 – 1,5 Năm Làm Việc Không Công

 

Cộng hoà Czech vừa thông báo chính thức dừng vô thời hạn việc cấp thị thực (visa) lao động cho người lao động nước ta vào làm việc vì lo ngại nhân công giá rẻ tràn vào ảnh hưởng đến tình trạng việc làm của người bản địa. Rõ ràng đây là tin không tốt nhưng nó cũng là tin tốt với nhiều ngàn người lao động đã đóng tiền và tiếp tục chờ cơ hội được sang Czech làm việc. Ở thời điểm này, không đi được còn hơn mất một đống tiền nhưng sang đó lại không có việc làm.

Bởi năm 2008, khi phong trào “người người tuyển lao động đi Czech” xuất hiện ở hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, để sang được đến Czech bằng visa lao động hoặc visa thương nhân, người lao động phải chi ít nhất 7.000 – 8.000 USD/người. Với mức lương trung bình khoảng 500 USD/tháng, mất ít nhất một năm rưỡi làm việc không công, người lao động mới trả được hết khoản phí này. Ở thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước (bộ Lao động – thương binh và xã hội) từng trao đổi với phóng viên: “chúng tôi đang nghĩ cách để kéo chi phí trước khi đi Czech của người lao động xuống, khoảng tương đương với tiền lương của một năm làm việc”.

Tại hầu hết các thị trường lao động ngoài nước hiện nay khoản phí trước khi đi cho hợp đồng hai năm của người lao động cũng tương đương với tiền lương của khoảng một năm làm việc. Tại Đài Loan, mức phí môi giới cho các hợp đồng làm việc trong nhà máy, công xưởng hiện đã lên tới 4.000 – 6.000 USD/người cho hợp đồng hai năm làm việc và “có thể gia hạn”. Như vậy để được sang làm việc với mức lương từ 500 – 800 USD/tháng, người lao động phải chi ít nhất 7.500 USD/người bao gồm cả tiền phí môi giới (trả cho công ty môi giới nước ngoài), phí quản lý (do công ty xuất khẩu lao động trong nước thu), vé máy bay, phí visa, tiền ăn học…

Kể cả ở những thị trường thấp cấp như Malaysia hoặc Trung Đông, có những hợp đồng mức lương của người lao động cũng chỉ chưa đầy 3 triệu đồng/tháng nhưng khoản phí trước khi đi cũng không dưới 30 triệu đồng. Mới đây, một nhóm lao động vừa về nước trước hạn từ Trung Đông đã gửi đơn tố cáo, chính nhân viên công ty xuất khẩu lao động đã thu tiền môi giới của họ với mức gần 4 triệu đồng/người, trong đó 2 triệu/người được gọi là “phí bay nhanh”, nghĩa là nếu lao động muốn đi nhanh thì phải mất khoản phí này.

Trong thực tế, bộ Lao động – thương binh và xã hội đã ban hành khung phí môi giới tại hầu hết các thị trường lao động nước ngoài có nhận lao động Việt Nam nhưng hầu như doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào cũng nói, phải vượt khung mới có được hợp đồng cung ứng. Nhưng mức vượt khung thực sự như thế nào thì chỉ có… doanh nghiệp mới biết. Khoản thu này được coi là thu hộ chi hộ (cho đối tác nước ngoài) nên không có hoá đơn chứng từ. Có doanh nghiệp thì thu tiền của người lao động để chuyển cho đối tác. Có doanh nghiệp lại để lao động cầm trực tiếp tiền mặt và trả thẳng cho đối tác môi giới nước ngoài.

 

Quy Ra Tiền Quyền Lợi Của Lao Động

 

Bộ Giao thông – vận tải vừa công bố kết luận thanh tra hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng tại bảy doanh nghiệp thuộc bộ này, trong đó có những khoản thu thêm oằn lưng người lao động. Về nguyên tắc khi đàm phán với đối tác môi giới hoặc chủ sử dụng lao động nước ngoài, công ty xuất khẩu lao động Việt Nam càng “co kéo” được nhiều quyền lợi cho người lao động càng tốt. Đó có thể là việc chủ trả tiền vé may bay cho người lao động, đóng thuế, chi tiền ăn ở… Những khoản hỗ trợ này sẽ làm giảm chi phí trước khi đi của người lao động.

Nhưng thật bất ngờ, có những doanh nghiệp đã đòi được những quyền lợi ấy, nhưng lại vẫn thu tiền của người lao động và biến nó thành quyền lợi của mình. Cụ thể như công ty cổ phần Quan hệ quốc tế và đầu tư sản xuất (thuộc tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – Cienco 8) ký với công ty môi giới Đài Loan có điều khoản: chủ sử dụng trả tiền vé máy bay cho người lao động nhưng trong thực tế công ty vẫn thu khoản tiền này và không trả lại người lao động khi thanh lý hợp đồng. Công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (thuộc tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 – Cienco 1) ký hợp đồng với người lao động sang Nhật Bản làm việc một năm, có thể gia hạn đến hai năm nhưng công ty đã thu trước tiền phí quản lý (mỗi năm tương đương với một tháng lương cơ bản) cho ba năm làm việc của người lao động.

Trong hợp đồng cung ứng lao động giúp việc gia đình, công ty cổ phần xuất nhập khẩu cung ứng thiết bị đường sắt (Virasimex) ký hợp đồng cung ứng với công ty môi giới Đài Loan có ghi: “chủ sử dụng lao động cung cấp ăn, ở miễn phí” nhưng khi công ty này ký hợp đồng dịch vụ với người lao động lại ghi: “tiền ăn do lao động trả (từ 3.000 – 4.000 Đài tệ) và khấu trừ vào lương. Thực tế người lao động phải trả khoản tiền này. Tại hợp đồng đưa lao động sang Dubai làm việc, chủ sử dụng đồng ý trả tiền vé máy bay lượt đi và lượt về cho người lao động nhưng trong thực tế công ty này đã thu tiền vé máy bay lượt đi của người lao động.

Đây chỉ là kết luận thanh tra từ bảy công ty đã phát hiện ra vô số những điều phi lý với những khoản thu gây bất ngờ. Bằng cách nào đó, chi phí trước khi đi của người lao động đã được biến hoá khiến họ phải oằn lưng gánh để hy vọng vào giấc mơ đổi đời. Nhưng khi đời chưa kịp đổi thì nhiều người đã phải về nước trước hạn để lại một đống nợ nần.

Tây Giang