Tòa án phúc thẩm tối cao mở phiên tòa công khai xét xử các luật sư Nguyễn Văn Đài - Lê Thị Công Nhân nhưng người dân đứng xem bị công an bắt giam trái pháp luật ngay

Ngày 27-11-2007, tại  trụ sở số 48 phố Lý Thường Kiệt - quận Hoàn Kiếm - Hà Nội Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa xét xử các luật sư Nguyễn Văn Đài - Lê Thị Công Nhân, những nhà họat động đấu tranh dân chủ dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do báo chí, tự do thành lập đảng phái, các quyền tự do của con người mà hiện nay người dân Việt Nam chỉ được nghe nói đến như những mỹ từ cao sang.

Ngay từ sáng sớm hôm đó rất nhiều người dân Hà Nội đã đứng tập trung tại các phố quanh trụ sở của tòa án nhân dân tối cao để hy vọng mong được gặp mặt các luật sư mặc dù họ đều biết điều này khó mà xảy ra. Phiên tòa sơ thẩm cách đây vài tháng xét xử các luật sư ở cổng trụ sở tòa án Hà Nội (là cổng sau của tòa án nhân tối cao) người ta đã thấy hàng trăm công an rải khắp các phố dẫn đến cổng tòa án ngăn cản dân đến ủng hộ các luật sư thì lần này chắc cũng vậy. Đến khoảng 6 giờ 30 xe chở các luật sư đã nhanh chóng chạy vào trong sân tòa án, ở ngoài cũng đã có hàng trăm công an sắc phục và mật vụ quây kín các phố. Lúc này nhân dân cũng đến rất đông, ngoài những nhà họat động dân chủ ở Hà Nội như các nhà báo bác sĩ Phạm Hồng Sơn; Nguyễn Vũ Bình, người đứng đơn thành lập đảng Tự do Dân chủ; Luật sư Lê quốc Quân nhà họat động nhân quyền năm ngoái vừa được trả tự do cùng Nguyễn Vũ Bình; Phương Anh báo Tổ Quốc, Dương Thị Xuân báo Tự do Dân chủ; các vị dân chủ Hải Phòng như ông Vũ Cao Quận; nhà văn Nguyễn Xuân Ngãi… còn có rất nhiều bà con các tỉnh như đoàn dân oan tỉnh Vĩnh Phú có trên 30 người cơm nắm, muối vừng về Hà Nội đòi công lý cũng đến biểu thị lòng cảm mến sự dũng cảm đấu tranh nhân quyền của các luật sư. Bà con dân oan các tỉnh thành có mặt ở Hà Nội lấy vườn hoa Lý Tự Trọng (đối diện vườn hoa Mai Xuân Thưởng) làm nơi trú ngụ cũng có mặt từ rất sớm để ủng hộ tinh thần đấu tranh ngoan cường của các luật sư như đoàn dân oan Thái Bình có bà Nguyễn Thị Kỷ người phụ nữ có đơn nộp xin gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam của cụ Hoàng Minh Chính từ rất sớm trước cả ngày 01-6-2007, là ngày phục họat đảng Dân Chủ. Ngay từ tháng 3-2006 khi bị công an tra hỏi tại trụ sở công an Thái Bình bà Kỷ đã trả lời dõng dạc tôi gia nhập đảng Dân Chủ ở Hà Nội và bà còn cho công an biết rõ lý do vì sao bà gia nhập đảng Dân chủ : “Tôi yêu dân chủ, thích công bằng tôi đi đòi công lý quyền lợi của tôi mất đất gần 30 năm nay mà không nơi nào giải quyết là do tôi bị mất dân chủ nên tôi phải tham gia khối những người yêu dân chủ”. Bà Kỷ hôm nay không chỉ lên ủng hộ các luật sư mà bà còn mặc áo kẻ biểu ngữ có dòng chữ đòi công bằng xã hội. Đoàn dân oan Thanh Hóa có ông Võ Văn Nghệ, trên 70 tuổi là người trước đây họat động cho an ninh và cũng bị an ninh trù dập bỏ tù hành hạ thừa sống thiếu chết. Ông Nghệ đã có rất nhiều đơn đòi truy tố các tướng công an Hoàng Ngọc Nhất, Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Tài Quán ủy ban kiểm tra trung ương đảng CSVN ra trước vành móng ngựa.

Những người dân đứng quanh trụ sở tòa án tối cao ủng hộ các luật sư còn có rất nhiều những người dân các tỉnh phía Nam như các chị Võ Thị Tư tỉnh Hậu Giang; các bà má tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long… và không chỉ có người dân mà còn có mặt các nhà tu hành đến trước trụ sở tòa án như sư cô Thích Đàm Nghiên trụ trì chùa Dâu - Hà Nội, sư cô Thích Đàm Thoa trụ trì chùa Bắc Giang mặc các áo nâu tu hành đến ủng hộ các luật sư.

Khoảng 7 giờ anh thanh niên Phạm Văn Trội, nhân chứng quan trọng của phiên tòa người có 3 giấy mời của tòa án gọi đến dự phiên tòa vừa đến cổng trụ sở tòa án bị rất nhiều nam mật vụ túm tay lôi ra khỏi tòa ngay trước mặt các sỹ quan công an mặc sắc phục. Phạm Văn Trội bị kéo đẩy ra xa tận cột điện cổng chợ 19-12 và ngay sau đó bị đẩy lên ô tô của 113 số xe 31A-6269, nhân chứng quan trọng bị chở đi đâu mất dù phiên tòa chuẩn bị khai mạc.  

Đứng bên này đường thấy tình cảnh Phạm Văn Trội bị bắt như vậy có mấy nam thanh niên nói : “Bất công thế sao dân không nổi loạn lên”. Mấy người đứng đấy bảo ngay : “Công an đứng bên cạnh kia kìa, nói thế cũng bị bắt đấy”. Tay mật vụ đứng cạnh lên tiếng quát và xông vào định túm ngực anh thanh niên : “Muốn nổi loạn hả, muốn vào bót không, cho ngồi đồn bây giờ”, không khí chung quanh tòa án căng như dây đàn.

Nên sự biểu thị tình cảm của những người dân đối với các luật sư mặc dù rất ôn hòa và đứng yên lặng trên vỉa hè cách cổng trụ sở tòa án hàng trăm mét vẫn không được công an vừa lòng. Công an liên tục cho người đến quần đuổi ra xa tòa án và còn hăm dọa : “Các ông, bà về đi không được đứng đây, nếu đứng sẽ bị công an bắt” và họ nói là làm bằng hành động tay chân luôn.

Sư cô Thích Đàm Nghiên ngồi ở ven đường vừa đứng lên bị ngay một mật vụ mồm nói tay bấm huyệt lưng nhà sư làm sư cô đau tái mặt, nước mắt ràn rụa không đứng lên được.

Chị Hồng Tươi, một dân oan tỉnh Hậu Giang, một phụ nữ kiên cường từ trong Nam ra Hà Nội đấu tranh chống bọn quan lại cướp nhà đứng ven đường Lý Thường Kiệt trước tòa nhà người nước ngoài ở các xa cổng tòa án gần trăm mét nói : “Tòa án nhân dân xét xử công khai, sao dân lại không được vào dự” có vậy mà mấy nam mật vụ lao ngay đánh chị Tươi rất dã man và sợ mọi người phản đối chúng xốc nách chị quẳng lên xe như súc vật, 2 tên mật vụ này còn ấn đầu cổ chị xuống sàn xe vì sợ phóng viên nước ngoài chụp ảnh được.

Trước sự hăm dọa vô lý đó bà con vẫn kiên trì đứng ngoài trụ sở Tòa án để cổ vũ, tiếp sức mạnh cho các luật sư đang bị xét xử và để biểu thị lòng khát khao mong muốn đất nước mau chóng có dân chủ thực sự, người dân được tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do lập đảng phải, quyền con người thực sự được đảm bảo chứ không phải như hiện nay người dân bị mất tự do như thế này. Tinh thần ngoan cường này của toàn thể các nhà dân chủ và bà con dân oan có mặt làm đau đầu các quan lại có mặt tại tòa vì họ tuyên truyền người dân có tự do được hưởng quyền dân chủ nhưng thực tế ngoài tòa dân đang biểu tình đòi cái quyền mà các luật sư đấu tranh cho họ bị quan tòa đang kết án oan. Sự biểu tình ủng hộ các luật sư cũng là một bằng chứng cho nhân dân cả nước và quốc tế biết được sự đấu tranh của các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân là hành động vô cùng dũng cảm không khuất phục trước bạo quyền. Sự ngoan cường của các luật sư phải được nhân dân ghi nhớ muôn đời và luôn luôn yêu mến kính phục họ.

Nhân dân càng đứng tập trung tại tòa ngày càng đông và họ truyền kể cho nhau tinh thần ngoan cường của các luật sư tại phiên tòa sơ thẩm càng làm các quan cộng sản tức tối nên đã lệnh đám mật vụ ngoài tòa dùng sức mạnh bắt các nhà hoạt động dân chủ và giải tán chở hết đoàn dân oan đi nơi khác để che dấu sự vùng lên đòi tự do ngôn luận, tự do biểu tình... và là một bằng chứng trước quốc tế đòi thả các luật sư yêu mến của nhân dân yêu chuộng tiến bộ đang bị kết án oan sai trong tòa.

Luật sư Lê Quốc Quân bị mật vụ bóp cổ gần ngạt thở, cổ lằn vết máu có dấu ngón tay của hung thủ đầu luật sư thì bị chúng đập vào tường chảy máu, sưng to. Nhà báo Dương Thị Xuân đang đứng nói chuyện với chị và em gái của luật sư Lê Thị Công Nhân bên cạnh tường chùa Quán Sứ cũng bị đám mật vụ xông tới một nữ mật vụ tóm chặt tay, tay kia một nam mật vụ bẻ quặt ra sau dẫn bắt lên xe cảnh sát 113 như tội phạm và chở nhốt ở đồn công an phường Trần Hưng Đạo. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nhà họat động nhân quyền Lê Thanh Tùng ở Sóc Sơn - Hà Nội đến gần trụ sở tòa án cũng bị nhốt vào đồn công an. Chị và em gái của luật sư Lê Thị Công Nhân đứng ngoài đường cũng bị bắt, chị gái Lê Thị Công Nhân khi bị bóp tay dẫn đi nói để tôi tự đi, thì mật vụ lấy cớ xông đến bóp cổ, dúi đầu, đàn áp dã man. Mấy người dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng bị đánh rất đau như ông Đường, chị Hợi…

Tất cả bà con dân oan bị dồn lên ô tô chở về địa điểm tiếp dân ở số 110 Cầu Giấy và một số người bị bắt vào đồn công an đến tận 17 giờ chiều là lúc phiên tòa kết thúc mới được trả tự do. Tại đồn công an số 43 phố Trần Quốc Toản - quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, khi bị các chị dân oan, các nhà dân chủ chất vấn : “Chúng tôi tội tình gì mà bắt chúng tôi vào đồn công an”. Công an nói quanh : “Chúng tôi mời mọi người về đây”. Tất cả dân oan, dân chủ đứng lên về đều bị công an cho người bắt giữ tại đồn đến tận chiều tối.  

Ông thượng tướng công an, ủy viên trung ương đảng CSVN trong biểu tiếp Chris Seiple, chủ tịch viện can dự toàn cầu, Mỹ (IGE) có nói ý : về việc mật vụ Nguyễn Văn Tân bịt mồm linh mục Nguyễn Văn Lý ngay tại phiên tòa là do tự tay mật vụ này làm “Chứ làm gì có ai chỉ đạo những người lính trẻ phải hành động thế này thế khác”. (trích báo An ninh thế giới ngày 10-11-2007) Vậy việc rất đông người dân đứng rất ôn hòa cách xa trụ sở tòa án tối cao hàng trăm mét ngày 27-11-2007 lại bị nhiều mật vụ trẻ nam, nữ đánh đập, bấm huyệt, bóp cổ, đập đầu, bẻ quặt tay như tội phạm trộm cắp thì do ai chỉ đạo những chiến sĩ này ? Hay các “bạn” của dân trẻ tuổi nhưng ghét dân chủ, ghét tự do, ghét nhân quyền yêu bạo lực này chỉ huy họ, nếu tự bức xúc thì chỉ 1-2-3 người đánh dân thôi, chứ tại sao hàng chục người dân bị đánh đồng lọat, bị bắt vào đồn vô cớ như vậy ? Ngay như nhân chứng của phiên tòa đến tòa theo giấy gọi của tòa án mà cũng bị khủng bố trắng trợn thì do ai chỉ đạo ? Câu hỏi này mong được ông thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng trả lời giùm chúng tôi những người bị đánh, bị lăng nhục giữa đường phố ngày hôm đó được hay.  

Tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do nêu ý kiến của mình… là khát vọng chính đáng của người dân bình thường là quyền con người đã được Hiến pháp nước CHXHCNVN ghi rõ và cũng là  trong các điều mà Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền quốc tế nêu và Nhà nước Việt Nam đã ký và cam kết thực hiện, người dân bị đàn áp dã man như vậy, những quyền con người khác còn bị trù dập đến bao giờ. Phải chăng nhà nước Việt Nam hiện nay dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản chỉ muốn một đảng lãnh đạo để độc tài quyền lực cho dễ, dễ bề bóp nghẹt tự do của dân chúng như phiên tòa xét xử các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân diễn ra ngày 27-11-2007 vừa qua. Người dân Việt Nam muốn thực sự được hưởng tự do đích thực, được hưởng tất cả những quyền con người mà Tuyên ngôn quốc tế và Hiến pháp Việt Nam đã nêu thì chỉ có dân chủ hóa đất nước, tự do ngôn luận và đa đảng, đó cũng là khát vọng cao cả của người dân Việt Nam.

 

Tràng An - VN