Công an quận Hoàn Kiếm - Hà Nội Việt Nam bắt đánh người dân 

Giới Thiệu:

Sinh hoạt tôn giáo và dân chủ tại Việt Nam sau khi Hoa Kỳ lấy tên ra khỏi danh sách CPC (phần 1)

2006.12.01

Việt Long, phóng viên đài RFA

Hoa Kỳ đưa tên Việt Nam ra khỏi danh sách những nước cần được đặc biệt lưu ý về vấn đề tự do tôn giáo, như một món quà nhân dịp Tổng thống Bush dự thượng đỉnh APEC vừa qua. Sau đó thì tình hình tôn giáo và tự do dân chủ có tiến bộ gì không?

Mời quý vị nghe Việt Long phỏng vấn cựu chiến binh quân đội nhân dân Nguyễn Khắc Toàn. Ông Toàn từng bị giam tù 4 năm về tội tuyên truyền chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, làm tay sai cho ngoại bang.

 

Việt Long: Trước hết ông có ý kiến gì về việc chính phủ Hoa Kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC?

Nguyễn Khắc Toàn: Tôi là Nguyễn Khắc Toàn, một người tranh đấu cho dân chủ tự do. Tôi xin phát biểu như thế này, từ sau khi hội nghị APEC lần thứ 14 tại Hà Nội kết thúc thì không khí đàn áp và khủng bố vẫn còn vấn vương, bao trùm cả khắp đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Trước hết, về tình hình tự do tôn giáo thì như quý vị đã biết là linh mục Nguyễn  Văn Lý, mục sư Nguyễn Hồng Quang và nhiều nhân vật tôn giáo của các giáo phái khác trong cả nước đã phát biểu phản đối phía chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đặc biệt quan tâm CPC. Đó là điều phản ánh không đúng thực tế tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, tình hình cải thiện về tự do tôn giáo chưa được như mong muốn của phía Mỹ, cũng như của phía đồng bào và dư luận trong nước, đặc biệt là các tôn giáo. Tôi nói ví dụ như vấn đề tự do tôn giáo chưa được cải thiện. Chẳng hạn như hiện nay trong các buồng số 1, 2, 6 của trại giam Nam Hà nơi tôi đã từng thụ án tù gần 4 năm. Tôi biết rất rõ rằng chính phủ và công an Việt Nam bắt rất nhiều nhà truyền đạo, những chấp sự người dân tộc thuộc 5 tỉnh ở Tây Nguyên như Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Komtum v.v... hiện nay họ vẫn còn ở trong đó - đó chỉ là những người truyền đạo Tin Lành.

Việt Long: Nhà cầm quyền Việt Nam nêu những lý do nào để bắt giữ những người đó?

Nguyễn Khắc Toàn: Phía an ninh nhà nước Việt Nam họ cho rằng vì những người truyền đạo và chấp sự này ở các buôn làng ở các tỉnh Tây Nguyên dẫn đến việc kích động các đồng bào dân tộc Tây Nguyên nổi dậy đòi ly khai, đòi tách vùng Tây Nguyên Trung phần ra khỏi nước Việt Nam để thành lập nhà nước cộng hoà Đê Ga tự trị. Vấn đề đó thực tế là một vấn đề không đúng vì tất cả những người truyền đạo và chấp sự mà tôi đã ở cùng buồng giam chung với họ, thì là thuần túy là những người hành đạo Tin Lành mà thôi. Họ chỉ muốn được nhà nước công nhận đạo Tin Lành cho họ trên Tây Nguyên, cho họ được xây nhà thờ, khôi phục lại những nhà thờ bị tàn phá trong chiến tranh. Họ hoàn toàn không dính dáng gì đến vấn đề nổi dậy trên Tây Nguyên.

Hiện nay có những người đã bị những án tù rất nặng, lên đến 17, 19 năm. Phần lớn là họ bị gán cho tội danh theo điều xâm phạm an ninh quốc gia của Bộ luật hình sự nước CHXHCNVN này, tội chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là một bằng chứng rất rõ ràng về vấn đề phía nhà nước Việt Nam có đàn áp tự do tôn giáo !!!

Vấn đề thứ hai nữa là hơn 30 năm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHVNTN ) của Hoà Thượng Huyền Quang và Hoà Thượng Quảng Độ vẫn không được phía nhà nước Việt Nam công nhận. Họ cũng chỉ là một hệ Phật giáo ở trong nước, mà đã có một lịch sử trên 2000 năm rồi. Họ chỉ muốn là không phải lệ thuộc, không bị phía nhà nước Việt Nam khống chế, chỉ đạo và phi chính trị trong vấn đề hành đạo của họ. Hiện nay họ vẫn không được sinh hoạt độc lập. Giáo hội PGVNTN vẫn không hề được công nhận. Vậy thì làm sao gọi là có tự do tôn giáo được.

Việt Long: Chúng tôi hiểu đó là tình hình trong mấy năm nay, còn những vụ bắt bớ gần đây thì đã gia tăng hay giảm bớt, thưa ông?

Nguyễn Khắc Toàn: Vấn đề bắt bớ mấy năm nay thì đã đỡ, nhưng riêng về vấn đề chưa công nhận họ đã thể hiện rõ. Một vấn đề nữa là Tin Lành Mennonite ở Tây Nguyên, mục sư Nguyễn Công Chính đã liên tục bị hành hung. Ngoài này thì có những chi nhánh Tin Lành Baptist ở Bắc Giang và Thanh Hóa cũng liên tục bị hành hung, đánh đập.. các người theo đạo đó có được tự do đâu. Những đồng bào HMông vùng Lai Châu, Điện Biên... tôi cũng đã từng ở với họ, một số người cũng bị bắt giữ chỉ vì truyền đạo Tin Lành. Người nổi tiếng nhất là anh Mùa Xáy Só bị bắt lần thứ hai, bị xử tội án là "vu khống cán bộ, nói xấu nhà nước". Anh được đặc xá vào ngày 2/9/2005. Thế thì làm sao gọi là có tự do tôn giáo được.

Việt Long: Chắc ông cũng biết rằng phía Hoa Kỳ thì nói là nhà nước Việt Nam có nới lỏng cho tự do tôn giáo cho nên có thể bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC?

Nguyễn Khắc Toàn: Hiện nay phía nhà nước Việt Nam cũng đã cởi mở một số vấn đề sinh hoạt tôn giáo ở các thành phố lớn ví dụ như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng….. Như quý vị đã biết, ở đây thì các nhà thờ, chùa chiền thì không bị nhà nước ngăn cản nữa. Nhưng nếu xét về mặt bản chất tuyệt đối tự do tôn giáo thì chưa được.

Phía Mỹ vừa rồi bỏ tên Việt Nam ra khỏi CPC là đã gây nên một làn sóng phản đối trong nước rất dữ dội. Bản thân tôi thì không theo tôn giáo nào như các vị ở trên nhưng tôi thấy rằng chuyện đó chưa công bằng, chưa chính xác và chưa đúng đắn.

Việt Long: Đó là về tôn giáo, còn về mặt tự do dân chủ thì hiện tình hình như thế nào?

Nguyễn Khắc Toàn: Về phía các nhà bất đồng chính kiến trong nước trong thời kỳ APEC diễn ra ở Hà Nội, thì tất cả mấy chục người bất đồng chính kiến tranh đấu cho dân chủ tự do có tên tuổi đều bị vây hãm tư gia của họ bởi hàng chục công an suốt 24/24. Thí dụ như từ cụ Hoàng Minh Chính, ông Lê Hồng Hà, ông Phạm Quế Dương, nhà văn Hoàng Tiến, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, đến những người trẻ tuổi như tôi, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, kỹ sư Nguyễn Trung Lĩnh, kỹ sư Nguyễn Phương Anh, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, cử nhân Phạm Văn Trội. Anh Phạm Văn Trội là người chưa bao giờ viết bài cả, anh chỉ là người cảm tình và ủng hộ phong trào dân chủ tự do và là bạn của anh Nguyễn Trung Lĩnh. Anh chính là  người lần đầu tiên đến thăm tôi và đưa Nguyễn Trung Lĩnh đến đây để giới thiệu với tôi. Chỉ có vậy thôi mà anh cũng bị hàng chục công an tỉnh Hà Tây vây hãm anh suốt từ ngày 12/11 đến ngày 21/11/2006 vừa rồi.

Sinh hoạt tôn giáo và dân chủ tại Việt Nam sau khi Hoa Kỳ lấy tên ra khỏi danh sách CPC (phần 2)

Giới Thiệu:

2006.12.01

Việt Long, phóng viên đài RFA

Trong một kỳ phát thanh trước nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn nêu ý kíên về việc Hoa Kỳ bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, và lược qua tình hình tôn giáo và dân chủ ở trong nước. Kỳ này, ông Toàn nói tiếp về tình hình này sau khi hội nghị APEC bế mạc, tình hình xã hội ở Hà Nội trong và sau những ngày hội nghị. Việt Long hỏi tiếp,

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Khắc Toàn, ông đã trình bày những hoạt động bị coi là đàn áp của công an trong thời gian diễn tiến hội nghị APEC tại Hà Nội. Tình hình sau APEC thì như thế nào ạ?

Nguyễn Khắc Toàn: Sau  khi hội nghị APEC lần thứ 14 tại Hà Nội kết thúc thì phía công an Việt Nam đã tạm thời rút bỏ khỏi nhà tôi vào ngày 21/11. Nhưng vẫn còn để lại tại tư gia của những anh em trí thức dân chủ bị bao vây trong tình trạng rất nghiệt ngã, ví dụ như luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Đến mức độ 3 nhân vật này họ đã phải cùng nhau viết một văn bản bằng tiếng Anh gởi cho hơn 40 tòa đại sứ tại Hà Nội để phản đối việc công an Việt Nam vẫn tiếp tục vây hãm họ, mặc dù hội nghị APEC đã kết thúc. Cuối cùng sau đó một ngày thì phía công an Việt Nam phải gỡ bỏ các chốt canh gác.

Hiện nay chúng tôi vẫn ở trong tầm ngắm, vẫn bị theo dõi từ xa. Không còn đặt chốt trắng trợn và công khai nữa nhưng vẫn theo dõi từ xa. Đi đâu thì cũng có mật vụ của phía an ninh nhà nước Việt Nam theo sát.

Tối hôm qua thì kỹ sư Bạch Ngọc Dương và luật sư Lê Thị Công Nhân có đến thăm tôi và có nói rằng đã liên tục từ ngày hôm kia thì đã bị Đặng Hồng Đức là một cán bộ của A42, tổng cục an ninh gọi đi làm việc, thẩm vấn. Trong buổi thẩm vấn thì phía công an Việt Nam do Đặng Hồng Đức đại diện đã tuyên bố là "Hội nghị tuy đã kết thúc rồi nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các anh một cách chặt chẽ, không thể để sót một hành động nào của các anh để chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng CNXH hiện nay do đảng cộng sản lãnh đạo !!!!". Họ vẫn nói thẳng như thế !!!

Tôi thấy thế này: không khí đàn áp và khủng bố ở trong nước hoàn toàn vẫn còn, nó chỉ bớt đi một chút.

Việt Long: Về mặt sinh hoạt xã hội sau hội nghị APEC thì như thế nào ạ?

Nguyễn Khắc Toàn: Tôi muốn nói với quý vị rằng, bản thân nhà nước Việt Nam còn đàn áp cả nhân dân trong nước, đàn áp nhân dân khiếu kiện, đàn áp dân oan, đàn áp cuộc sống của những người dân lành buôn thúng bán bưng, những người sống ở vỉa hè, những người sống bằng đường phố. Tôi nói ví dụ như vấn đề Mai Xuân Thưởng, họ đã bắt đi hàng chục những người dân oan chưa kịp chạy trốn, chưa kịp trở về địa phương. Nổi cộm nhất là việc bắt mấy cô phụ nữ dân oan ví dụ như cô Vũ Thanh Phương ở Đồng Nai, cô  Lê Thị Kim Thu cũng ở Đồng Nai, ông Đinh Văn Sự ở Đồng Tháp, nhà sư Đàm Thoa... mặc dù tất cả những người này có cam kết với chính phủ, công an rằng sẽ dừng tất cả những việc khiếu kiện trong thời gian hội nghị APEC. Và người ta cũng có thuê những nhà ở khuất rất xa vườn hoa Mai Xuân Thưởng, ở mãi tít trong làng Ngọc Hà, ngõ 94, cách đấy gần 1 cây số. Thế mà phía công an Việt Nam vẫn còn càn quét, đuổi người ta ra khỏi những chỗ trọ đấy.

Khi người ta ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng xin ngủ nhờ và đòi trách nhiệm của phía chính phủ Việt Nam phải dừng việc đuổi bắt họ, thì công an trong đêm 11/11 vẫn ra bắt người ta. Bắt rất nhiều vào trại bảo trợ số 1, là trại chuyên môn giam giữ những thành phần vô gia cư, những người già và tàn tật. Họ đã tuyệt thực suốt 9 ngày như hai người phụ nữ ở trên, có người thì 13 ngày như ông Đinh Văn Sự. Cuối cùng phải thả họ ra khỏi trại giam. Cán bộ có nói rằng là hội nghị đã kết thúc rồi và bây giờ thì phía các ông các bà cũng đã vào đây để chính phủ nuôi dưỡng và chăm sóc. Bây giờ hội nghị kết thúc rồi thì chính phủ lại cho về chỗ trọ.

Vấn đề này là vấn đề tư duy của phía an ninh nhà nước Việt Nam rất đáng phê phán, rất đáng lên án. Bởi vì phải nói rằng trong họ không có một cái gì gọi là cải cách, đổi mới trong tư duy, suy nghĩ cả. Cứ mỗi dịp như 3/2, 2/9 hay những hội nghị quốc tế tổ chức tại Hà Nội thì họ đi càn quét, bắt bớ những người dân oan rất dữ. Và đây không phải là lần đầu tiên.

Đồng thời, những người dân oan này về nói với tôi hiện nay cùng giam với họ trong trại bảo trợ số 1 còn có trên 200 thanh thiếu niên gồm các thành phần như đánh giày, bán báo, bán vé số, đi xin việc làm, đạp xích lô... Với mục đích phía an ninh Việt Nam cho rằng là để bảo đảm an ninh cho hội nghị APEC !!!

Vấn đề đó là không phải, mà chính vấn đề là họ muốn tẩy rửa thành phố này các thành phần mà họ cho là cặn bã, những thành phần làm xấu đi bộ mặt của chế độ này. Ngay ngõ nhà tôi cũng thế, họ bắt rất nhiều người buôn thúng bán bưng, đạp xích lô... Ở ngay ngõ này dân người ta bảo là hội nghị là vì nhân dân, vì đất nước mà chưa thấy đâu cả mà chỉ có thấy đàn áp nhân dân, chỉ có thấy khủng bố nhân dân !!!

Việt Long: Theo báo chí trong nước cho biết thì đa số hay hầu hết người dân Việt Nam đều hết sức hân hoan khi thấy đất nước mình đã hội nhập vào tổ chức thương mại thế giới WTO cũng như đã tổ chức một hội nghị APEC được coi là rất hoành tráng, ý kiến của ông về việc này ra sao?

Nguyễn Khắc Toàn: Tôi nói cho quý vị biết rằng chúng tôi hoàn toàn không tán thành kiểu hội nhập của nhà nước Việt Nam vào quốc tế như thế này. Hội nhập để vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của dân tộc, hội nhập để cho văn minh hơn chứ hội nhập mà chỉ thấy đàn áp, khủng bố và sách nhiễu nhân dân thì thà đừng hội nhập kiểu này còn hơn. Trong các cuộc phỏng vấn với nhiều đài ở hải ngoại trong suốt thời gian hội nghị tôi vẫn nói rằng trong 21 nền kinh tế của APEC chưa có một quốc gia nào người ta tổ chức hội nghị mà người ta tiến hành đàn áp nhân dân, đàn áp đối lập như thế - chưa có một nơi nào !!!

Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới trong khu vực APEC này từ Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Chi Lê…... họ đều tổ chức hội nghị này rất suôn sẻ, tốt đẹp. Và người ta cũng đảm bảo an ninh rất tốt. Người ta không bao giờ nhằm vào những thành phần đối lập, dân chủ, và những dân cư nghèo khổ để người ta đàn áp, lấy lý do là để đảm bảo an ninh cả. Việc này phải phê phán, phải lên án.