RFA phỏng vấn LS Nguyễn Văn Đài :

Khi nào tôi chính thức là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền

tôi sẽ mờI công an đến dự tiệc liên hoan

Giới Thiệu:

Thưa quý vị, liên quan đến việc ra đời của Ủy Ban Nhân Quyền cho Việt Nam, vào sáng mùng 1 tháng 11 vừa rồi nhà dân chủ Bạch Ngọc Dương và luật sư Nguyễn Văn Đài đã phải lên làm việc với cơ quan an ninh A 42.

Nội dung buổi làm việc ra sao? Ủy Ban Nhân Quyền này sẽ hình thành như thế nào? Ngay sau khi rời trụ sở an ninh A 42, luật sư Nguyễn Văn Đài đã cho Việt Hùng của đài chúng tôi biết như sau:

 

Tòa Soạn Đối Thoại (doi-thoai.com): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả RFA. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh, nếu có sự sơ sót , xin tác giả , độc giả và đài RFA thông cảm. Mời độc giả nghe lại buổi phát thanh để hiệu đính các chỗ sai trước khi sử dụng.

Ls Nguyễn Văn Đài: Sáng ngày 1/11, tôi nhận được một cú điện thoại từ cục an ninh A 42 mời tôi lên làm việc vì có một số vấn đề, nhưng vì buổi sáng tôi bận nên tôi không đến được. Nhưng anh Bạch Ngọc Dương cũng đã bị mời lên làm việc ngay từ lúc khoảng 9 giờ sáng. Nội dung buổi làm việc với anh Dương thì nhân viên A 42 hỏi anh về vấn đề Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam đang được vận động để thành lập, đã có tên của tôi là Nguyễn Văn Đài với chức danh chủ tịch ủy ban và anh Bạch Ngọc Dương là ủy viên sáng lập, ngoài ra thì còn một số người khác như luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, anh Dương Văn Dương và một số người khác.

Việt Hùng: Và buổi chiều thì luật sư phải tới làm việc với cơ quan an ninh, nội dung như thế nào ạ?

Ls Nguyễn Văn Đài: 2:30 chiều nay thì tôi có đến trụ sở của cơ quan điều tra tại số 7 Nguyễn Đình Chiểu, tại đó thì có cán bộ an ninh là Đặng Hữu Đức đã làm việc với tôi và một người nữa tôi không nhớ tên. Họ đưa ra một tuyên bố thành lập Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam, họ hỏi tôi là có ý kiến nào về lời tuyên bố này. Tôi nói là lời tuyên bố này chưa phải là bản cuối cùng, họ nói với tôi là việc anh tham gia Ủy Ban Nhân Quyền là như thế nào? Tôi nói là đây mới là dự thảo và có rất nhiều người đã đề nghị tôi giữ chức chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam nhưng tôi chưa chính thức nhận lời. Tôi  nói với họ là khi nào tôi chính thức chức danh chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền thì tôi sẽ mời họ đến để dự buổi liên hoan.

Họ có đe dọa tôi rằng là anh là luật sư anh biết rõ ở Việt Nam khi thành lập một tổ chức mà không xin phép nhà nước hay không được nhà nước cho phép là trái luật thì họ sẽ xử lý chúng tôi. Tôi nói rằng việc tôi đã dám làm thì tôi sẽ dám chịu chuyện đó. Tôi mời các anh đến dự buổi liên hoan khai trương Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam và sau đó các anh có thể bắt tôi, không có vấn đề gì cả.

Tôi khẳng định là tôi làm đúng pháp luật, các anh bảo là trái pháp luật thì các anh cứ việc xử lý.

Việt Hùng: Khi luật sư trình bày những vấn đề như vậy thì phản ứng của các cấp chính quyền thì họ nói như thế nào?

Ls Nguyễn Văn Đài: Thì 2 sĩ quan an ninh rất tức giận, anh ta có thái độ rất mất bình tỉnh, anh ta dùng những lời lẽ đe dọa tôi.

Việt Hùng: Về lề lối làm việc của cơ quan an ninh cũng như các cấp chính quyền trong thời gian vừa qua thì dư luận cả trong và ngoài nước đã nói nhiều. Nhưng trở lại việc sáng ngày hôm nay, luật sư nói rằng hồi sáng họ định dùng biện pháp cưỡng chế luật sư để đi làm việc nhưng luật sư không có ở văn phòng. Ý luật sư nói vấn đề cưỡng chế là như thế nào?

Ls Nguyễn Văn Đài: Anh Đặng Hữu Đức gọi cho tôi buổi sáng, anh nói là tôi phải lên làm việc. Tôi nói rằng anh đề nghị tôi lên làm việc, còn việc tôi lên hay không là quyền của tôi. Sáng nay tôi bận có khách tôi không lên. Anh ta nói là nếu anh không lên thì tôi sẽ cưỡng chế anh phải lên. Tôi không biết là tôi đang ở văn phòng và tôi đang có khách thì không hiểu là họ sẽ cưỡng chế tôi bằng cách nào?

Nhưng một số anh em vẫn bị là họ đến với một số đông và họ cưỡng bức mình phải đi làm việc - cung cách của họ là như vậy. Đối với anh Đỗ nam Hải, đang trên đường thì họ dùng cách chận xe và bắt cóc đưa lên xe về làm việc. Hoặc đang ngồi trong quán nước thì họ cưỡng bức về trụ sở công an. Đó là những cách mà họ áp dụng với một số anh em.

Việt Hùng: Buổi chiều thì luật sư chủ động đến làm việc với họ phải không ạ?

Ls Nguyễn Văn Đài: Tôi nói là buổi chiều tôi rảnh thì tôi đến làm việc với họ. Khi đến làm việc thì tôi tuyên bố trước là các anh hỏi và tôi có quyền trả lời hay không là quyền của tôi. Họ nói là họ sẽ lập biên bản, tôi nói rằng việc các anh ghi biên bản thì các anh cứ ghi nhưng tôi khẳng định với họ là tôi sẽ không ký vào bất kỳ một giấy tờ gì mà họ đưa ra. Sau đấy thì họ yêu cầu tôi ký xác nhận vào bản tuyên bố thành lập Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam nhưng tôi nói từ đầu là tôi không ký.

Sau khi kết thúc buổi làm việc thì họ ép tôi phải ký vào biên bản lấy lời khai thì tôi nói rằng bây giờ anh chỉ cần đọc cho tôi là tôi đang được điều chỉnh bởi điều luật nào và nằm trong văn bản nào, anh nói rõ thì tôi sẽ ký ngay không phản đối một tí nào hết. Nhưng họ không đọc nổi một điều luật nào cho tôi cả, bởi vì tôi là một công dân Việt Nam bình thường tôi chưa phải chịu điều chỉnh pháp luật và tất cả những việc họ mời lên làm việc, lập biên bản các thứ là họ hoàn toàn vi phạm pháp luật Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người công an, an ninh hay cán bộ công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Việt Hùng: Phải chăng là vì sự thành hình của Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam sẽ công khai hóa trong tương lai mà dẫn đến việc các cấp chính quyền đã gây khó khăn cho nhà dân chủ Bạch Ngọc Dương và cá nhân luật sư?

Ls Nguyễn Văn Đài: Vâng, xu thế phát triển của một xã hội thì không có một chính phủ nào quá tốt để có thể chăm lo đến đời sống tất cả mọi người dân và cũng không có một hệ thống pháp luật hay một hệ thống nào quá hoàn hảo để có thể xét xử mọi vụ án, cư xử với người dân một cách minh bằng.

Như vậy chỉ có một cơ quan nhân quyền nào độc lập với chính phủ để bảo vệ nhân quyền cho người dân. Cho nên việc hình thành Ủy Ban Nhân Quyền ở Việt Nam độc lập với chính phủ là một xu thế tất yếu, không thể tránh khỏi điều đó.

Việt Hùng: Trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn thường tuyên bố rằng nhân quyền ở Việt Nam được bảo đảm mà bây giờ luật sư và một số người lại định thành lập một Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam. Như vậy phải chăng luật sư đang đi ngược lại những điều mà Việt Nam đang muốn thể hiện với thế giới trong sự hội nhập?

Ls Nguyễn Văn Đài: Chính phủ Việt Nam thì luôn luôn tuyên bố như vậy nhưng chúng ta phải xét trên khía cạnh thực tế. Đó là Việt Nam thì đang bị xếp vào danh sách CPC, tức là danh sách những nước đàn áp quyền tự do tôn giáo của người dân ở mức độ nghiêm trọng. Việt Nam đang tìm mọi cách để chứng minh với thế giới nói chung và chính phủ Hoa Kỳ nói riêng là họ đã có thành tích tốt nhất trong vấn đề tôn giáo để được bộ ngoại giao Hoa Kỳ rút ra khỏi danh sách nói trên.

Ngoài ra thì các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới đã rất nhiều lần, đặc biệt là trong năm 2006 này luôn luôn chỉ trích chính phủ Việt Nam về các thành tích tồi tệ về vấn đề nhân quyền. Cho nên chúng ta không thể tin được vào những gì mà chính phủ Việt Nam thường rêu rao như vậy mà chúng ta phải nhìn thực tế.

Tôi là người luật sư hoạt động trong lãnh vực nhân quyền được một số năm, tôi đã suy nghĩ rất nhiều trong việc vi phạm trong lãnh vực quyền tự do tôn giáo cũng như quyền tài sản của người dân Việt Nam. Tôi có đầy đủ bằng chứng để chứng minh rằng việc vi phạm nhân quyền vẫn xảy ra ở Việt Nam đến mức độ rất nghiêm trọng.

Việt Hùng: Tức là theo luật sư, dù có bị ngăn cản hay khó khăn từ các cấp chính quyền thì việc thành hình Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam sẽ là tất yếu?

Ls Nguyễn Văn Đài: Vâng, điều đó là chắc chắn.

Việt Hùng: Cám ơn luật sư Nguyễn Văn Đài.