Phạm Hồng Sơn

02 tháng 09: Sự dối lừa tiếp diễn  

Ngày 2/9/1945, ngay sau khi lấy được chính quyền trên khắp các địa phương từ tay phát xít Nhật đã bại trận , Mặt trận Việt Minh (những ngừoi theo chủ thuyết cộng sản chủ nghĩa) đã nhanh chóng tiến hành tổ chức lễ công bố Bản Tuyên ngôn độc lập cho nước Việt Nam và lễ ra mắt chính phủ lâm thời. Đó là một bước đi quan trọng của những người cộng sản Việt Nam trong con đường chinh phục quyền lực. Bản tuyên ngôn đó, do Hồ Chí Minh dõng dạc đọc tại quảng trường Ba Đình, được viết dựa trên tinh thần của hai Bản tuyên ngôn bất hủ trước đó : Bản Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789. Đây là một sự khôn khéo để mong dễ có sự chia sẻ và thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với nền độc lập cho nước Việt Nam nói chung và công nhận quyền lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam vào thời điểm đang xảy ra những biến cố cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II. Sâu lắng nhất trong Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 nằm ở hai từ Tự do và Độc lập. Đối với hầu hết những người Việt nam lúc đó, khi đang phải sống dưới chế độ thuộc địa Pháp quốc với những chính sách có nhiều sự phân biệt, miệt thị người Việt Nam bản xứ, thì hai từ Tự do và Độc lập không chỉ là mong muốn mà đã trở thành nỗi khát khao tự thân của mỗi người Việt Nam. Do đó, không có điều gì khó hiểu khi có một lực lượng đông đảo quần chúng (đa phần là giới lao động chân tay) sẵn sàng ủng hộ, tập hợp và hy sinh cho ngọn cờ Đoàn kết, Cứu quốc, Tự do, Độc lập được phất cao trong tay những người cộng sản. Song cũng vào thời điểm đó, có nhiều người Việt Nam khác, đặc biệt là giới nhân sĩ, trí thức có nhãn quan chính trị và những người hoạt động chính trị phi cộng sản nhìn nhận sự kiện Việt Minh (Cộng sản Việt Nam) lấy được quyền lãnh đạo và công bố Bản Tuyên ngôn độc lập với một thái độ nghi ngại, lo lắng, thậm chí là bất hợp tác, phản đối. Họ lo rằng : vận mệnh của dân tộc Việt Nam sẽ ra sao, nếu quyền lực rơi vào tay những người theo chủ thuyết cộng sản – chủ thuyết với những đặc điểm cơ bản : dùng bạo lực để giành quyền lực nhằm xây dựng một thể chế chuyên quyền, lấy lực lượng công nhân, nông dân (những người thiếu kiến thức và dễ cả tin nhất) làm nòng cốt cho lực lượng xung kích, bảo vệ quyền lực và xóa bỏ sở hữu tư nhân, tiến hành khống chế, thanh trừ các giai cấp đối kháng ; … Chỉ với vài đặc điểm cơ bản đó thôi, người ta đã thấy chủ thuyết cộng sản hoàn toàn đi ngược lại hai chữ Tự do và gợi ra mùi tanh của máu, âm thanh của xiềng xích. Đáng tiếc, những lo lắng và phản đối đó thuộc về thiểu số và thế yếu. Cũng giống như đã mấy ai nhận biết được sự nguy hiểm của con ác quỉ khi nó còn lấp ló chưa thoát khỏi miệng lọ !

Sau cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm do những người cộng sản chủ xướng và tổ chức để chống lại ý định khôi phục lại chế độ thuộc địa của người Pháp ở Đông dương và kết thúc với thắng lợi vang dội tại thung lũng Điện Biên Phủ và một hiệp nghị tại Giơ-ne-vơ. Cùng với biết bao xương máu, của cải của người dân đã đổ xuống, năm 1954 đã đánh dấu con đường chinh phục quyền lực lãnh đạo của cộng sản Việt Nam đã hoàn tất. Một mình trở về thu giữ mọi quyền lực trên toàn miền Bắc Việt Nam (từ vĩ tuyến 17 trở ra) với không một lực lượng, một tổ chức chính trị nào còn có tính đối kháng, độc lập. Như vậy, mọi quyền lực đã nằm gọn trong tay những người cộng sản – Quyền lực đã bị độc chiếm, thoát khỏi mọi ràng buộc, kiềm chế. Con ác quỉ đã hoàn toàn thoát khỏi miệng lọ ! Tiếp sau đó, không để cho dân chúng định thần lại sau cuộc chiến, những người cộng sản đã tiến hành 2 cuộc thanh trừng : cuộc thanh trừng thứ nhất nhằm vào những người giàu có (địa chủ, phú nông ở nông thôn ; tư sản, tiểu thương ở thành thị), cuộc thanh trừng thứ hai nhằm vào giới nhân sĩ, trí thức, đặc biệt là các văn nghệ sĩ, triết gia có tư tưởng sáng tác tự do. Trong cuộc thanh trừng thứ nhất, những người can đảm hay lạnh lùng nhất cũng cảm thấy ghê rợn và kinh sợ trước các thảm cảnh. Trên khắp các vùng nông thôn, sự ghê rợn và kinh sợ không chỉ bởi những cảnh lùng sục, truy bức, bắt bớ, giết chóc, đập phá, chia chác tài sản, nhà cửa, ruộng đất … mà nó còn nằm ở góc độ nhân tâm đã bị xô tới và đẩy qua giới hạn cuối cùng của con người : mọi mâu thuẫn, đố kị nhỏ nhặt nhất cũng có thể bị người người cộng sản lợi dụng để kích động trở thành bạo lực, thù hận, chống lại những người có tài sản. Cảnh những người trong cùng một gia tộc (vợ chồng, cha con, ông cháu …) hành tội, giết nhau trước sự cổ vũ của công chúng không còn là chuyện lạ. Đây có lẽ là hiện tượng đau buồn duy nhất đã từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam ! ở thành thị, sự thảm khốc có phần ít ghê rợn hơn, hầu như các gia chủ đều giữ được tính mạng (trừ những người vì quá phẫn uất và bàng hoàng dẫn tới tự vẫn), nhưng hầu như tất cả đều trở thành trắng tay. Còn có thêm một sự đau đớn nữa : nhiều nạn nhân trong cuộc thành trừng thứ nhất đã từng là ân nhân cưu mang của những người cộng sản. Nếu chỉ cần liên hệ hai từ cộng sản hoặc vô sản với gia cảnh của mình thôi, thì đa phần những nạn nhân trong cuộc thanh trừng thứ nhất đã có thể dự cảm và tránh được thảm họa. Song có lẽ họ đã quá tin vào những mỹ từ của cộng sản như đoàn kết, tự do, độc lập, hành phúc.

Trong cuộc thanh trừng thứ hai, hầu như tất cả những nhân sĩ, trí thứcở lại miền Bắc Việt Nam sau 1954 đều là những người đã ủng hộ và đóng góp cho cuộc kháng chiến 9 năm. Những tưởng sau cuộc chiến, mọi tâm trí của họ có thể được tự do hoàn toàn để suy tư về mọi vấn đề của con người, cuộc sống … có thể được tự do nói lên những khát khao, trăn trở trước thực tế cuộc sống, … Nhưng ngay khi những tác phẩm theo tinh thần tự do đó còn là bản thảo, thậm chí còn đang dang dở, thai nghén, các tác giả của chúng đã bị triệu tập, truy bứcc, bị chụp cho cái mũ “mất quan điểm”, “chống Đảng”, thậm chí là “chống Nhà nước”, “chống nhân dân”, chưa kịp bàng hoàng  thì họ đã thấy mình trở thành tù nhân thực sự hoặc tù nhân tại gia, đa phần đều phải sống nốt quãng đời còn lại trong một áp lực, đe dọa và trầm lắng, suy kiệt.

Như thế là ngay sau khi thâu tóm được toàn bộ quyền lực trong tay, cộng sản Việt Nam đã đánh một đòn phủ đầu chí mạng vào hai giai tầng dễ có khả năng trở thành một người độc lập về quan điểm, chính kiến, hai giai tầng đó cũng chính là những người có khả năng tổ chức sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải vật chất với hiệu suất cao hoặc là những người có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa, tinh thần một cách tự do để khơi nguồn trí tuệ cho con người. Hai cuộc thanh trừng đó là một thành công thực sự cho những kẻ cầm quyền nhưng lại là một mất mát, một khuyết tật vô cùng lớn đối với sự hưng thịnh của dân tộc.

Đối với dân chúng nói chung, những người cộng sản lần lượt đ­a ra các chính sách kiểm soát mọi mặt của đời sống con người. Kiểm soát việc cư trú, di chuyển của người dân bằng hộ khẩu, chứng minh thư, công an khu vực, kiểm soát việc phân phối lương thực, thực phẩm và các hàng hoá thiết yếu bằng sổ gạo, tem, phiếu, « ngăn sông cấm chợ »,..., kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh (công thức hóa công cụ sản xuất, tài nguyên thiên nhiên, cấm buôn bán, sản xuất tư nhân...). Kiểm soát mọi họat động đoàn thể, xã hội (cộng sản hoá các tổ chức, đoàn thể, từ lứa tuổi nhỏ trở đi như đội thiếu niên tiền phong, đoàn thanh niên cộng sản....) ; Kiểm soát thông tin (các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động xuất bản hoàn toàn do nhà nước kiểm soát....). Hệ thống giáo dục bị loại bỏ các trường tư nhân, phương pháp giáo dục hướng tới mô hình khuôn mẫu, công thức, không khuyến khích tư duy phân tích, độc lập, hướng mọi ca ngợi, tốt đẹp cho cộng sản, mọi đồi bại xấu xa cho tư bản....Các hoạt động tôn giáo gần như bị ngưng trệ hoàn toàn, đặc biệt là công giáo, các cơ sở thờ tự, giảng dạy tôn giáo bị lấn, chiếm...Một số phương tiện, công cụ đã từng có ở thời thuộc địa nhằm giúp cho người dân bày tỏ ý kiến và bảo vệ quyền lợi của mình đều bị thủ tiêu hoàn toàn (như báo tư nhân, xuất bản tư nhân, tuần hành, mít tinh, biểu tình) hoặc bị biến thành tổ chức do cộng sản điều khiển (như tổ chức công đoàn). Nghị viện thời 1946 bị biến thành một cơ quan có tên là Quốc hội nhằm pháp chế hoá các áp đặt của nhà cầm quyền. Bản hiến pháp năm 1959 của miền Bắc Việt Nam đã trở thành văn bản chủ yếu nhằm thể hiện uy lực của nhà cầm quyền, khẳng định sự chuyên chế độc đoán của chế độ, trong đó dành hẳn 03 điều (điều 07, 17, 38) để cảnh báo, đe doạ bất kỳ hành vi không ủng hộ hoặc chống đối. Như vậy, ngay cả một vài định chế cơ bản cho một nền dân chủ sơ khai đã từng tồn tại ở thời thuộc địa hoặc đã được xác lập ở thời kỳ chính phủ đa nguyên, đa đảng năm 1946 đã bị những người cộng sản xoá sạch tại miền Bắc Việt Nam sau năm 1954. Cho dù khái niệm tự do là một khái niệm lớn, luôn phát triển,

 nhưng nếu chỉ dựa trên những ý niệm sơ khai là : Tự do là người dân phảI đuợc sống ở đâu mà mình muốn. Tự do là người dân phải được tự do lựa chọn món hàng mà mình bỏ tiền ra mua ; Tự do là người dân phải được tự do kiếm nghề sinh sống phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình ; Tự do là người dân phải được tự do nói lên những điều mình cho là đúng, … thì cái xã hội, chế độ mà những người cộng sản Việt Nam dựng lên ở miền Bắc Việt Nam sau 1954 hoàn toàn không đáp ứng được các ý niệm tự do sơ khai đó. Hơn nữa, bất kỳ ai có ý tưởng hay hành vi không ủng hộ hoặc chống đối lại chính sách của Nhà nước đều bị cho là phần tử nguy hiểm và dễ dàng bị đưa đi tập trung cải tạo (cầm tù) vô thời hạn. Những khát khao, kỳ vọng của đông đảo quần chúng khi ủng hộ, hy sinh cứu quốc, đoàn kết, tự do, độc lập, hành phúc của những người cộng sản đã được đáp lại bằng một cuộc sống kìm hãm như thế. Với những gì mà những người cộng sản đem lại cho người dân so với những hô hào, kêu gọi, cam kết của họ thì chỉ có một từ duy nhất diến tả được, đó là : Sự lừa dối !

Xin lưu ý, ngay trong thời gian sau 1954, người đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 vẫn còn đang tại vị trên đỉnh cao quyền lực và cũng chính trong thời gian đó, người ta còn thấy rất nhiều những ngôn từ giáo huấn, đạo đức kiểu như : Đảng cộng sản ngoài lợi ích của nhân dân không còn lợi ích nào khác ; Đảng viên, công chức phải là công bộc, đày tớ của nhân dân. Tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, … Lịch sử lại một lần nữa cho thấy thói cường quyền, độc tài luôn kèm theo căn bệnh ngụy biện, lừa mỵ, đạo đức giả. Và trong lịch sử nhân loại, có lẽ cũng chỉ thấy một hiện tượng hy hữu xảy ra ở Việt Nam. Người chủ (nhân dân) luôn phải xin (làm đơn xin) kẻ tự cho mình là đày tớ (công chức) khi cần hầu như bất kỳ nhu cầu gì ! Thật đau xót và chua cay cho người dân Việt Nam chúng ta. ở phương diện toàn dân tộc, xét theo số học thì người ta có thể tự an ủi là chỉ có một nữa dân tộc Việt Nam ở phía Bắc phải sống trong cảnh kìm hãm, tủi nhực đó. Nhưng từ năm 1975 thì sự an ủi đó cũng không còn nữa.

Kể từ năm 1986, chính quyền công sản Việt Nam đã phải nới lỏng (họ đã ngạo mạn dùng từ “cởi trói”) nhiều chính sách kìm hãm người dân vì nhiều lý do (xin không lạm bàn ở đây), song, căn bệnh ngụy biên, lừa mỵ, đạo đức giả vẫn luôn tồn tại và ngày càng tinh vi hơn, bởi một lẽ đơn giản : quyền lãnh đạo đất nước và quản trị quốc gia vẫn bị người cộng sản độc chiếm và như một vòng xoắn bệnh lý, sự dối lừa vẫn tiếp diễn. Sự dối lừa đã tiếp diễn suốt 61 năm qua. 61 năm dối lừa của chính quyền cộng sản Việt Nam tính tới ngày 2/9/2006.

Phạm Hồng Sơn tại Việt Nam

1/9/2006