RFA phỏng vấn nhà báo Nguyễn Khắc Toàn: Tập San Tự Do Dân Chủ sẽ ra mắt ngày 2 tháng 9  

RFA 2006/09/01 06:30

Giới Thiệu:

Thưa quý thính giả, nhân dịp lễ quốc khánh 2/9 nhà nước Việt Nam đã ân xá cho hơn 5000 tù nhân, trong đó có những người bị tù vì lý do tôn giáo hay chính trị. Nhân dịp này phái viên Ỷ Lan của ban Việt ngữ đài ÁCTD hỏi ý kiến nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn hiện đang sống tại Hà Nội.

Ông Toàn cũng từng bị ra tòa với tội danh gián điệp hồi năm 2002 và mới được thả hồi đầu năm nay.

Trong cuộc trao đổi nhà báo Nguyễn Khắc Toàn cho biết tình hình của ông hiện thời cũng như về tờ báo Tự Do Dân Chủ mà ông và một số nhà bất đồng chính kiến khác dự định cho ra đời:

Tòa Soạn Đối Thoại (doi-thoai.com): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả RFA. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh, nếu có sự sơ sót , xin tác giả , độc giả và đài RFA thông cảm. Mời độc giả nghe lại buổi phát thanh để hiệu đính các chỗ sai trước khi sử dụng.

Ỷ Lan: Kính chào nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, nhà nước Việt Nam vừa công bố quyết định đặc xá cho hơn 5,300 tù nhân vào dịp quốc khánh. Trong số này có 4 tù nhân chính trị và tôn giáo, xin ông cho biết ý kiến hay bình luận gì về việc đặc xá năm nay, theo nhà báo thì đây có phải là chính sách mở cửa đối với các thành phần bất đồng chính kiến không?

Nguyễn Khắc Toàn: Thưa chị Ỷ Lan, thưa quý thính giả của đài ÁCTD, vừa qua nhà nước CHXHCNVN nhân dịp quốc khánh 2/9 đã thả hơn 5000 tù nhân. Trong con số hơn 5000 tù nhân được thả trên toàn quốc chủ yếu là tù hình sự, các tội phạm về kinh tế, phạm án hình sự xã hội và có 4 người được coi là tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo. Cụ thể đó là như các ông Mã Văn Bảy, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Y Oan Niel  và một người nữa. Trong số này có hai người tôi biết, đó là bác sĩ Phạm Hồng Sơn, là một nhà bất đồng chính kiến, là một nhà tranh đấu dân chủ bị giam giữ hơn 4 năm qua. Và Y Oan Niel  cũng là một người tù nhân từng ở với tôi trong buồng giam số 1 và buồng giam số 2 của phân trại 1, trại giam Nam Hà trong gần 2 năm, cho đến khi tôi được phóng thích hồi đầu năm nay.

Việc mà nhà nước Việt Nam thả 4 người trong số hơn 5000 người vừa qua thì con số này là một con số quá ít ỏi, nó không đủ để thế giới cũng như dư luận quốc tế, cũng như tất cả các tổ chức nhân quyền trên thế giới hoan nghênh bởi vì quá nhỏ   bé. Chúng ta hãy so sánh với số tù nhân chính trị, những nhà bất đồng chính kiến cũng như  tù nhân tôn giáo hiện nhà nước Việt Nam còn đang giam giữ trong các trại tù khắp cả nước thì chúng ta sẽ thấy con số đó là những con số bèo bọt, không đáng kể là bao nhiêu cả.

Hơn thế nữa, tất cả những người tù như Mã Văn Bảy, Phạm Hồng Sơn, hay Y Oan Niel  và một người nữa mà tôi chưa biết tên thì thời hạn mà họ còn phải chấp hành hình phạt tù phi pháp do phía nhà nước Việt Nam áp đặt cho họ còn rất ít. Chẳng hạn như Phạm Hồng Sơn chỉ còn 7 tháng, Y Oan Niel  cũng còn độ 5 tháng, Y Oan Niel  là một chấp sự hoạt động về tôn giáo ở Cao Nguyên Trung phần, người thuộc huyện  Madrak, tỉnh Đắc Lắc Tây Nguyên. Còn ông Mã Văn Bảy cũng là một nhà truyền giáo còn độ khoảng 6-7 tháng. Trong khi đó thì còn hàng trăm những người tù nhân vì lý do tôn giáo đã từng ở với chúng tôi, người dân tộc Thượng ở Tây Nguyên mà tôi biết rất rõ. Còn những người tù rất nổi tiếng và đã bị nhà nước Việt Nam giam giữ trên dưới 20 năm nay, thậm chí có người đã gần 30 năm nay. Ví dụ như ông Trương Văn Xương quê ở Sóc Trăng hiện nay đang ở buồng giam số 17. Và anh Bạc Văn Thụy, anh Bùi Thúc Nhu, anh Trương Quang Đô... đó là những người mà họ đã phải chịu đựng những án tù rất dài và tuổi họ cũng rất cao, bây giờ phần lớn đã ngoài 60 gần 70 tuổi cả. Phía nhà nước Việt Nam tốt hơn hết là chính trong lúc này tỏ ra nhân đạo và tỏ ra khoan dung với những người tù này bởi vì họ đã chịu đựng án tù dài và quá bất công. Cho nên việc thả 4 người tù vừa qua về lý do tôn giáo và chính kiến tôi nghĩ rằng chẳng qua là vì áp lực của quốc tế và đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ.

Gần đây nhất là ông đại sứ lưu động của chính phủ Mỹ về tôn giáo cũng như về nhân quyền sang đây và đã đưa danh sách 23 người tù đề nghị phía Việt Nam thả thì họ đã nhỏ giọt ra 2 người tù, trong khi đó còn hơn 20 người tù mà danh sách của chính phủ Mỹ nêu lên rất cần quan tâm.

Qua việc thả tù nhân của đợt đặc xá 2/9 này tôi nghĩ rằng phía nhà nước Việt Nam vẫn chưa tỏ ra có một chính sách cởi mở, chưa tỏ ra chính sách khoan hồng và nhân đạo như họ đã tuyên truyền. Mà đây chẳng qua vì áp lực quốc tế mà họ đã tạm thời nhỏ giọt và mở cửa để cho mấy người tù ít ỏi này tạm thời trở về nhà thôi, chớ không có gì đáng hoan nghênh cả đâu.

Tiện đây tôi cũng xin thông báo với chị rằng bản thân Phạm Hồng Sơn khi vừa mới được thả tù trở về nhà thì lập tức bắt đầu từ 12 giờ trưa ngày hôm qua cho đến nay là thêm 20 công an đã bao vây nhà Phạm Hồng Sơn và mọi đường dây điện thoại cố định cũng như di động, sim mới vừa lấp cũng đều bị cắt và phá hủy. Như vậy là phía nhà nước Việt Nam đã có một quyết tâm rất cao biến những nhà bất đồng chính kiến, biến những gia đình họ thành những phòng giam, những nhà tù trá hình mà thôi.

Hoàn cảnh hiện nay của tôi cũng bi đát và cay đắng y hệt như Phạm Hồng Sơn. Tình trạng tính mạng cũng như an toàn của tôi bị đe dọa hàng ngày, hàng giờ và hàng phút. Công an rình rập xung quanh nhà. Nhà tôi thật sự là một nhà tù và bản thân tôi hiện nay đang trong sự soi mói và theo dõi từng động tĩnh một của công an Việt Nam.

Hôm qua họ có trịệu tập tôi lên để giao cho tôi một quyết định về xử phạt hành chính của  công an Hà Nội là quyết định phạt 500 nghìn đồng VN vì lý do tôi đã 4 lần đi quá khỏi ranh giới phường mà không xin phép. Tôi đã phản kháng là tôi sẽ không nộp một xu nào, có tiền cũng không nộp mà hiện nay tôi cũng không có tiền để mà nộp. Tại vì nộp tức là đã vô tình đã xác nhận tính đúng đắn của bản án cũng như lệnh quản chế của nhà nước Việt Nam, phiên tòa mà họ đã nêu lên cách đây 4 năm đối với tôi. Trong nội dung của lệnh quản chế đó thì họ đe dọa rằng nếu như không nộp phạt thì họ sẽ có biện pháp cưỡng chế là bắt giữ tôi lại nhà tù vì lý do chống lại lệnh quản chế, và không chấp hành của lệnh quản chế theo qui định của điều 304 bộ luật hình sự nước CHXHCNVN. Tôi xin thông báo với chị là tin mới nhất của tôi là vậy.

Ỷ Lan: Chúng tôi cũng được nghe các nhà dân chủ ở Hà Nội, trong đó có nhà báo dự tính pháp hành tập san Tự Do Dân Chủ, hình như dự án gặp nhiều khó khăn phải không? Xin ông cho biết có hy vọng gì tập san Tự Do Dân Chủ ra đời không và bao giờ thì phát hành?

Nguyễn Khắc Toàn: Thưa chị, như chị đã biết bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 12 thì phía công an Hà Nội được sự chỉ đạo của đảng CS, và bộ công an đã mở một chiến dịch đàn áp dữ dội quyết liệt vào 5 gia đình những người sáng lập ra tờ báo. Gồm có nhà văn Hoàng Tiến là tổng biên tập, tôi là phó tổng biên tập, luật sư Nguyễn Văn Đài là biên tập viên và hai thư ký tòa soạn là kỹ sư Bạch Ngọc Dương và cựu giáo viên trường đại học Sơn Hòa II Hà Nội Dương Thị Xuân và cũng là cô em họ của tôi. Tất cả gia đình chúng tôi đều bị đột nhập và khám nhà. Tất cả 5 người đều bị câu lưu và bắt giữ một cách trái phép, hỏi cung trong nhiều ngày và nhiều giờ kể cả ban đêm. Việc đột nhập vào nhà để thu giữ tài liệu cũng như cướp đoạt những máy móc như computer, mobi không hề có lệnh của viện kiểm soát tối cao phê chuẩn, cũng như lệnh của bất cứ cơ quan luật pháp hay tòa án ở trong nước. Sau đó hơn 10 ngày tôi và nhà văn Hoàng Tiến là những người chủ chốt của tờ báo Tự Do Dân Chủ, tập san nội bộ ra đời dự định vào giữa tháng 8 đã bị thẩm vấn liên tục trong hơn 10 ngày.

Chiến dịch đàn áp tự do báo chí, một trong những quyền con người cơ bản nhất nhân dân Việt Nam đáng lẽ ra được hưởng mà cho đến ngày hôm nay nhân dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng và chính phủ Việt Nam vẫn chưa thực thi những nhân quyền cơ bản đó. Đấy là một điều rất nhục nhã cay đắng - bị kịch của dân tộc này. Đổ bao nhiêu xương máy mà những quyền con người hiện nay vẫn chưa được hưởng trọn vẹn.

Tờ tập san đấy hiện nay thì trong nước chúng tôi gặp khó khăn bởi vì computer, phương tiện thì bị bắt giữ. Hiện nay nhà của nhà văn Hoàng Tiến, của tôi, của Nguyễn Văn Đài, của Bạch Ngọc Dương đều bị công an vây hãm 24/24 rất là nghiệt ngã. Tôi không thể ra khỏi phường, tôi không thể đi đâu nổi và liên lạc với ai, máy tính thì không có. Cho nên tất cả các công cụ phương tiện làm việc chúng tôi không thể ra báo được như đã dự định là ngày giữa tháng 8 hoặc đầu tháng 9.

Tuy nhiên tôi cũng trên làn sóng này với chị Ỷ Lan và đài ÁCTD thì tôi cũng thông báo cho quý vị biết tin mừng: Tờ báo Tự Do Dân Chủ tuy bị đàn áp, tất cả những nhà báo độc lập của chúng tôi bị thẩm vấn, bị bắt giữ, bị câu lưu, bị sách nhiễu liên tục, các phương tiện làm việc đến bây giờ vẫn bị tịch thu mà chưa hề được trả lại. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã và khó khăn đó nhưng tờ báo của chúng tôi vẫn ra đời đúng hạn ngày 2/9.

Sỡ dĩ có được sự mừng rỡ và có được cơ hội may mắn này chính nhờ sự tiếp tay của một nhóm Việt kiều, của một nhóm đồng bào Việt Nam trí thức hải ngoại mà cụ thể là ở Mỹ đã giúp sức cho chúng tôi, tờ báo này vẫn ra đời đúng ngày 2/9. Ngày mai vào khoảng 0 giờ GMT thì các bạn trên tất cả các diễn đàn, tất cả các website trên mạng internet sẽ thấy được hình hài của tờ báo này, kể cả chính phủ và công an Việt Nam cũng sẽ biết được tin tờ báo Tự Do Dân Chủ vẫn cứ ra đời đúng hạn. Tôi xin thông báo với quý vị như vậy.

Tôi hy vọng rằng tờ báo sẽ sống với thời gian để góp phần vào công cuộc đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước chúng ta cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Ỷ Lan: Cám ơn nhà báo Nguyễn Khắc Toàn rât nhiều cho cuộc phỏng vấn cho đài ÁCTD.

Ỷ Lan, phóng viên đài ÁCTD.