Tôi bị đàn áp  

(Hơn 10 ngày bị công an bắt lên thẩm vấn)

                                                                                          Nhà văn Hoàng Tiến

            Tôi gọi là bị bắt, điều đó đúng bản chất của sự việc. Phía công an gọi là mời, là triệu tập. Triệu tập với số lượng công an đông đảo và khỏe mạnh, có tính bắt buộc cưỡng bức, chỉ là một dạng hình thứ cấp của bắt, không có gì khác nhau cả. Chỉ thiếu cái còng tay khóa số 8 mà thôi.

            Chúng tôi cứ muốn nói chẻ hoe ra, bắt thì gọi là bắt, khóa số 8, còng tay, ghì cánh khuỷu, giúi cổ mang đi, để bàn dân thiên hạ trông thấy công an đàn áp tự do dân chủ. Nhưng công an khôn ngoan, họ đàn áp các “ông dân chủ” bằng bàn tay lót bông. Nhẹ nhàng không gây ồn ào.

            Chúng cháu có bắt bác đâu, chúng cháu mời bác lên trao đổi đấy chứ!

            Nào là có xe đưa đi đón về. Lúc nào trả lời mệt thì bác nghỉ. Bác muốn ăn gì uống gì chúng cháu phục vụ. Làm việc có quạt máy, điều hòa nhiệt độ, uống nước La Vie. Thế mà bác cứ bảo công an hành bác. Oan cho công an chúng cháu quá.

Tôi nói, anh em công an có biết hai câu thơ này của ai không:

                              Trên đời ngàn vạn điều cay đắng

                              Cay đắng nào bằng mất tự do.

 

Của cụ Hồ đấy. Tôi đang ở nhà tôi. Công an đến bắt lên trụ sở Bộ Công an số 7 Nguyễn Đình Chiểu, tra hỏi về tờ báo Tự Do Dân Chủ sắp ra mắt suốt cả một ngày trời. Chập tối đưa tôi về nhà, lục soát khám xét, lấy đi rất nhiều tài liệu về dân chủ, cả những tài liệu về văn học, nghiên cứu của tôi, cả máy CPU vi tính, lại tước đoạt cả điện thoại cầm tay cá nhân. Không có lệnh khám nhà. Không có biên bản giao lại cho người bị thu giữ  tài sản. Như thế có khác gì hành động quân ăn cướp, chứ đâu phải của bộ máy công an bảo vệ pháp luật.

Anh em công an nói xe đưa đón tôi, tôi đâu có cần thứ đưa đón đó. Tôi ăn cháo nguội, ngồi đọc sách, còn thú vị hơn đi ô tô máy lạnh công an và bị xách nhiễu tra hỏi mất hết cả tự do.

Câu chuyện tra hỏi xoay quanh việc ra báo Tự Do Dân Chủ.

Công an buộc tội chúng tôi: Ra báo không xin phép là vi phạm luật báo chí.

Lập luận của chúng tôi: Luật báo chí đã vi phạm Hiến pháp. Điếu 69 Hiến pháp CHXHCNVN ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Luật báo chí (ra đời 1989), không công nhận báo chí tư nhân là luật báo chí sai, vi phạm hiến pháp. Đáng ra luật báo chí phải quy định những thủ tục để thực hiện quyền người dân được tự do báo chí.

Vì luật báo chí không quy định thủ tục việc ra báo tư nhân. Lại không có điều khoản nào trong luật cấm người dân không được ra báo tư nhân. Vì thế chúng tôi cứ việc làm không phải xin phép ai cả. Tinh thần của luật pháp là: Người dân được quyền làm mọi thứ, trừ những điều luật pháp cấm.

 

Điều thứ  2, báo của chúng tôi gọi tập san, là thứ không có ghi trong luật báo chí. Luật báo chí chỉ quản lý các loại hình báo chí ghi trong điều 3 (luật báo chí): “ Báo chí nói trong luật này là báo chí Việt Nam, gồm: báo in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn); báo nói (chương trình phát thanh); báo hình (chương trình truyền hình, chương trình nghe nhìn-thời sự).” Loại hình tập san không ghi trong diện quản lý, có nghĩa là người dân được tự do làm.

Điều thứ 3, báo của chúng tôi không bán, không mang tính chất kinh doanh kiếm lời, không ra định kỳ, số trang không nhất định (nhiều bài nhiều trang, it bài ít trang). Nó là thứ báo trao đổi cảm nhận của một số anh em trí thức về hiện tình đất nước, có tính nội bộ, giống như các thứ báo nội bộ của các cơ quan đoàn thể, cũng giống như một dạng báo tường báo liếp ở các đơn vị tập thể. Có ai phải xin phép đâu.

Một điều cốt yếu nữa là nó chưa ra, thì công an đã bắt bớ xét hỏi. Công an đã làm quá sớm. Công an định bóp ngẹt tờ báo khi nó chưa kịp ra chào đời. Làm thế việc vi phạm nhân quyền và dân quyền của công an càng nặng.

Tinh thần của luật pháp là: Các quan chức nhà nước (trong đó có công an) chỉ được làm những điều luật pháp cho phép.

Vậy luật pháp nào cho phép công an bắt người dân lên xét hỏi, khi người ta không phạm luật?

Việc bắt bớ xét hỏi nhiều ngày 5 anh chị em làm báo Tự Do Dân Chủ (nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, cô giáo Dương Thị Xuân và tôi) là công an đã vi phạm pháp luật, vi phạm dân quyền và nhân quyền.

Điều 19 của Công ước Quốc tế về quyền con người (Việt Nam đã ký kết từ 1982) ghi rõ: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ.”

Tóm lại, chúng tôi chỉ thực hiện quyền làm dân và quyền làm người, đã được Hiến pháp trong nước cũng như Công ước Quốc tế thừa nhận và bảo hộ.

Chúng tôi không vi phạm luật pháp.

Chính công an bắt chúng tôi lên xét hỏi mới là người vi phạm luật pháp.

Trong hơn 10 ngày thẩm vấn tôi, công an lúc thì hù dọa, lúc thì ôn hòa, đấy là nghề nghiệp của họ. Tôi không bình phẩm. Tôi chỉ nói những điều sai trái của ngành công an trong vụ khủng bố đàn áp báo Tự Do Dân Chủ như sau:

1). Công an là cơ quan bảo vệ luật pháp, lại làm những việc vi phạm luật pháp một cách ngang nhiên. Khám nhà không lệnh. Biên bản thu giữ tài sản không giao. Những giấy triệu tập xét hỏi, công an đều thu lại hết. Đòi cũng không trả.

Như vậy, vụ đàn áp vừa rồi có điều gì khuất tất, thiếu minh bạch, không đàng hoàng, muốn xóa hết tang chứng để dễ bề chối cãi, của một cơ quan đáng ra phải đường hoàng, minh bạch, gương mẫu trong việc thi hành những thủ tục  luật pháp. Điều này tôi đã có thư gửi riêng ông bộ trưởng công an, không phải nói lại ở đây.

2). Anh em công an làm việc, do thiếu hiểu biết về pháp luật, nên rất khó trao đổi với nhau. Thí dụ: Công an đe dọa tôi vi phạm luật pháp nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia nghiêm trọng, phải bắt và trừng trị nghiêm khắc.

Tôi có giải thích cho công an rằng, các anh đã đi quá quyền hạn của mình rồi. Việc kết tội người dân là quyền của tòa án, đâu phải quyền của công an.

Điều 72 Hiến pháp ghi: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Công an chỉ có quyền điều tra, xét thấy có tội thì đề nghị với Viện Kiểm soát khởi tố, đưa sang tòa án lập hội đồng xét xử vụ án. Người dân được quyền tự bào chữa, và nhờ luật sư bào chữa cho mình.

3). Làm việc tới ngày thứ 12 (kể từ 12-8-2006 đến 24-8-2006, trong đó có nghỉ vài ngày) hôm nay công an tiếp tục khám xét CPU của tôi. Lấy ra những tài liệu của tôi từ trong máy. Cuối buổi làm việc họ nói với tôi: bác có thể mang CPU về, nhưng với một điều kiện, bác ghi một cái giấy cam đoan từ nay về sau không sử dụng vi tính và Internet nữa.

Tôi phản ứng, không thể như thế được, quyền sử dụng vi tính và Internet là quyền của mọi người. Nó là nhân quyền. Đời nào tôi chịu bỏ mất quyền làm người của mình.

Anh công an vội chữa lại, bác để cho cháu nói hết hãng, cháu chưa nói hết ý thì bác đã cắt ngang, ý cháu muốn nói là bác không sử dụng vi tính và Internet vào mục đích chống lại Đảng và Nhà nước.

Tôi cũng bình tĩnh hỏi lại công an, anh định nghĩa cho tôi thế nào là chống lại Đảng và Nhà nước. Viết bài góp ý phê phán những sai lầm của Đảng và Nhà nước là chống lại chăng? Chính ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu Đảng tôn trọng những ý kiến khác nhau, và hô hào toàn dân góp ý phê bình Đảng và các đảng viên, cũng như phê bình những sai lầm của Chính phủ. Quan điểm của công an như vậy là trái với quan điểm của Đảng rồi.

Anh công an chữa ngượng, việc này bác và cháu sẽ trao đổi với nhau sau.

Tôi tuyên bố không cam đoan gì cả. Điều vô lý là công an thu giữ CPU của tôi (và cả điện thoại di động, đã trả lại điện thoại di động mấy hôm trước), đã in từ CPU những tài liệu cần thiết cho công an điều tra. Tôi đã ký vào những tài liệu đó. Việc khám xét CPU coi như xong. CPU phải trả lại là điều đương nhiên. Bây giờ bắt tôi viết cam đoan mới trả lại CPU thì kỳ lạ quá. Có lẽ chỉ có công an Việt Nam mới làm những điều kỳ dị như vậy.

Tôi nói, công an có thể thu giữ hoặc tịch thu CPU của tôi. Đấy là quyền của công an. Chỉ yêu cầu công an cho tôi một cái giấy biên nhận thu giữ  hoặc tịch thu CPU.

Họ không cho, nói rằng sẽ giải quyết sau, lại niêm phong CPU lại và cất đi.

Rồi ra về, hẹn ngày mai làm việc tiếp. Đó là chiều ngày 24-8-2006.

Hôm sau, với ý thức tôn trọng pháp luật, tôi ngồi nhà chờ ô tô công an đến đưa đi làm việc tiếp. Ngày 25 không thấy gì. Ngày 26 cũng không thấy gì.

Công an làm việc rất tùy tiện, coi thường người dân. Bận việc gì thì cũng phải báo cho dân, nếu biết phép lịch sự kèm lời xin lỗi nữa. Hoặc không làm việc nữa thì cũng phải báo cho người dân biết. Đằng này cứ bỏ lửng một cách rất bất lịch sự, rất thiếu văn hóa. Tôi phản đối cách hành xử như vậy của công an.

Nói cho công bằng, trong việc thẩm vấn tôi hơn 10 ngày qua, thái độ nói chung của anh em công an đối với tôi tỏ ra biết tôn trọng người có tuổi, lễ phép, hòa nhã. Chỉ có một công an (đã có tuổi, xin giấu tên cho lịch sự) có thái độ hống hách, lại kém hiểu biết luật pháp, đã khiến tôi phải phản ứng gay gắt.

Ngoài những lúc thẩm vấn, quan hệ giữa chúng tôi là vui vẻ, bác cháu, bố con, có người gọi tôi bằng ông xưng cháu. Mà họ cũng đáng tuổi con cháu tôi thật. Chúng tôi nói chuyện về văn chương, về tác phẩm của các nhà văn A, B. Họ tỏ ra thích chuyện văn chương. Và có lúc thân mật đã yêu cầu tôi đọc thơ cho nghe.

Đây là bài thơ tôi đọc cho công an nghe trong phòng thẩm vấn lúc nghỉ ngơi. Bài thơ này tôi làm khi ngoài 30 tuổi. Cho đến nay đã gần 40 năm.

                         Ta sĩ rách hề, sinh buổi nhiễu nhương

                         Mượn cây bút hề, tỏ chí ngoan cường

                         Đường chông gai hề, ta không lùi bước

                         Đời đen bạc hề, lòng ta bi thương.

 

                         Ngẫm thế sự hề, đầu ta sớm bạc

                         Nghĩ nhân tình hề, miệng ta cười vang

                         Múa cây bút hề, ta thay đao kiếm

                         Phá dối lừa hề, thông thoáng thế gian.

Bốn, năm anh em công an ngồi lặng yên nghe. Mắt họ trong sáng nhìn tôi. Họ cũng là những con người, tuổi con cháu mình. Họ cũng có những con tim biết rung động. Họ tiếp xúc với văn chương, khuôn mặt của họ trông sáng láng hẳn lên.

Chúng cháu phải làm theo lệnh cấp trên. Họ thường nói với tôi điều đó trong suốt các buổi thẩm vấn. Tôi hiểu và thông cảm với họ. Vì miếng cơm manh áo mà.

Rồi tôi chơt rùng mình nghĩ đến, cũng những khuôn mặt sáng láng ấy bỗng biến đổi màu, dữ tợn lên, vì cấp trên bơm vào đầu họ ý thức cảnh giác địch ta, đấu tranh giai cấp, và ra lệnh cho họ đập chết những ai cấp trên bảo là kẻ thù giai cấp, cần phải tiêu diệt không ghê tay, như trong cải cách ruộng đất, như trong cải tạo công thương nghiệp, như vụ án Nhân văn-Giai phẩm, như vụ án Xét lại-Chống Đảng ... đã từng xảy ra trên đất nước ta.

Tôi càng thấy công cuộc dân chủ hóa đất nước hiện nay là cần thiết đến chừng nào. Phải chống độc tài về tư tưởng, phải chống độc quyền về chân lý, phải có tự do báo chí, thì mới cứu được con cháu chúng ta khỏi bị đầu độc, mới trở lại được cái chân giá trị của con người.

                                              Đất thiêng Thăng Long. Tháng 8 năm 2006

                                                             Hoàng Tiến, nhà văn.

 

Địa chỉ:  Nhà A 11   Phòng 420

              Thanh Xuân Bắc —Hà Nội.